banner trang chủ

HÔI MIỆNG TỪ DẠ DÀY LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỊ KHỎI


Hôi miệng từ dạ dày không chỉ làm hạn chế khi giao tiếp mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Vậy, hôi miệng từ dạ dày là gì? Cách điều trị hôi miệng từ dạ dày như thế nào? Để biết thêm thông tin hãy cùng Nha Khoa Peace Dentistry theo dõi bài viết sau đây.

I/ Thế Nào Là Hôi Miệng Từ Dạ Dày?

Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi khó chịu do dạ dày đang mắc các bệnh lý như: trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, nhiễm HP, hở van dạ dày… Khi mắc các bệnh lý này quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ bị chậm lại khiến cho bạn thường gặp các tình trạng như đầy hơi, khó tiêu, mùi thức ăn từ dạ dày bốc lên khiến khoang miệng luôn có mùi.

hôi miệng từ dạ dày

(Hôi miệng từ dạ dày không chỉ gây ảnh hưởng đến giao tiếp mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm)(**)

II/ Các Bệnh Lý Dạ Dày Gây Hôi Miệng:

Một số bệnh lý ở dạ dày có thể gây hôi miệng là:

1. Trào ngược dạ dày:

Là tình trạng dịch vị ở dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản. Các dịch vị này có tính axit rất mạnh có thể gây nóng rát và làm tổn thương thực quản. Khi tần suất trào ngược diễn ra thường xuyên các dịch vị bám lại ở thành thực quản sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ, phát triển và gây ra hôi miệng.

2. Tắc nghẽn đường ruột:

Khi thức ăn được nạp vào cơ thể chúng sẽ được hấp thu và đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khi bị tắc nghẽn đường ruột thức ăn sẽ bị tắt ở ruột già hoặc ruột non và không thể di chuyển tiếp. Những thức ăn này sẽ dần lên men và lan mùi lên khoang miệng gây ra mùi hôi khó chịu.

3. Hôi miệng do viêm dạ dày HP:

Nhiễm HP cũng là một trong những bệnh lý ở dạ dày và có thể gây hôi miệng. Vi khuẩn HP thường trú ngụ bên dưới lớp niêm mạc dạ dày và gây ra các vết lở loét. Khi đó, dạ dày sẽ bị viêm và tạo ra khí dimetin sunfua, sunfua và metin mecaptan. Các khí này là nguyên nhân chính khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu.

bệnh dạ dày gây hôi miệng

(Nhiễm khuẩn HP là bệnh lý thường gặp)(**)

4. Hở van dạ dày:

Van dạ dày ở người bình thường luôn trong trạng thái đóng chặt và chỉ mở khi ăn uống. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh dạ dày, van này luôn trong trạng thái mở khiến dịch vị và mùi thức ăn bị đẩy lên thực quản, cuống họng và gây hôi miệng.

III/ Dấu Hiệu Nhận Biết Hôi Miệng Từ Dạ Dày:

Hôi miệng từ dạ dày có thể được nhận biết thông qua các dấu hiệu sau:

  • Miệng có mùi hôi khó chịu mặc dù bạn đã đánh răng và vệ sinh đúng cách
  • Lưỡi thường xuất hiện nhiều cặn trắng do axit dịch vị bị trào lên thường xuyên
  • Thường xuyên bị đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, nôn ói…

IV/ Tác Hại Của Hôi Miệng Từ Dạ Dày Nếu Không Điều Trị:

Hôi miệng từ dạ dày nếu để lâu và không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

1. Viêm, loét thực quản:

Khi axit dịch vị trào lên thực quản thường xuyên có thể làm tổn thương, viêm loét thực quản. Lúc này bạn sẽ có cảm giác như khó nuốt, đau ngực, buồn nôn, mất cảm giác thèm ăn, đau sau xương ức khi ăn uống, đau vùng trung thất rất khó chịu.

hôi miệng do dạ dày

(Axit dịch vị trào ngược vào phổi gây ra các bệnh lý viêm họng, viêm phế quản)(**)

2. Hẹp thực quản:

Khi tần suất trào ngược xảy ra thường xuyên sẽ làm cho lớp niêm mạc thực quản tiếp xúc nhiều với axit dạ dày. Quá trình này tạo nên các vết trợt loét, gây đau rát cổ kể cả khi ăn thức ăn mềm và khó nuốt. Sau đó, các vết loét sẽ phát triển thành mô sẹo. Mô sẹo tích tụ càng nhiều thì thực quản càng hẹp, dẫn đến khó nuốt, có cảm giác vướng nghẹn ở cổ, đau ngực…

3. Các bệnh lý về hô hấp:

Axit dịch vị có thể trào ngược lên phổi, cổ họng gây ra các bệnh lý như viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi và có thể tái đi tái lại nhiều lần.

4. Barret thực quản (tiền ung thư thực quản):

Tình trạng này xảy ra do axit trào ngược làm thay đổi các tế bào trong mô lót thực quản làm các tế bào này dày và đỏ lên, tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Người mắc Barrett thực quản có thể xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng thường xuyên, khó nuốt khi ăn, đau ngực… Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc biến chứng này không có dấu hiệu đặc trưng mà chỉ có thể phát hiện thông qua nội soi và sinh thiết.

5. Ung thư thực quản:

Biến chứng này thường gặp ở độ tuổi trung niên. Ban đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng khi bắt đầu xuất hiện các vấn đề như chảy máu thực quản, những cơn đau dai dẳng và nghiêm trọng, đau sau xương ức, khàn tiếng, sụt cân không rõ nguyên nhân…, cho thấy ung thư đang phát triển.

V/ Cách Trị Hôi Miệng Từ Dạ Dày Hiệu Quả:

Để trị hôi miệng từ dạ dày hiệu quả bạn có thể áp dụng các giải pháp sau đây:

1. Trị hôi miệng từ dạ dày bằng thuốc:

Khi trị hôi miệng từ dạ dày bác sĩ có thể sử dụng 1 trong 4 nhóm thuốc sau:

1.1. Thuốc trung hòa acid dạ dày:

Có 2 loại là thuốc hấp thụ được: Natri bicarbonate, Canxi cacbonat,…và thuốc không hấp thụ được: nhôm, Magie hydroxit,…Nhóm thuốc có tác dụng trung hòa acid dạ dày và làm giảm hoạt động của enzyme pepsin. Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc và hướng dẫn liều dùng phù hợp.

1.2. Thuốc ức chế bơm proton (PPI):

Thuốc ức chế bơm proton giúp ức chế lượng thụ thể tạo axit trong niêm mạc dạ dày từ đó làm giảm nồng độ acid dạ dày. Chẳng hạn như Omeprazol, Lansoprazol, Esomeprazole, Pantoprazole, Rabeprazole.

1.3. Thuốc chẹn thụ thể H2 (Histamin H2):

Thuốc chẹn thụ thể Histamin H2 gồm: Cimetidine, Ranitidine, Famotidine, Nizatidine. Thuốc có tác dụng làm giảm quá trình tiết axit và giảm dịch vị dạ dày thông qua hoạt động ức chế Histamin tại thụ thể H2 ở viền dạ dày.

1.4. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày:

Prostaglandins là thuốc có tác dụng giảm hình thành AMP vòng, tăng cường khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày thông qua việc ức chế bài tiết acid. Ngoài ra còn có Sucralfate là một dạng phức hợp sucrose – nhôm, đóng vai trò là một lớp bảo vệ vùng dạ dày bị viêm khỏi acid, pepsin và muối mật.

2. Trị hôi miệng từ dạ dày bằng thảo dược:

Dưới đây là 5 loại thảo dược được nhiều người áp dụng đễ chữa hôi miệng do các bệnh lý dạ dày tại nhà:

2.1. Gừng tươi:

Gừng không chỉ là một loại gia vị mà còn là một vị thuốc có thể hỗ trợ trị bách bệnh. Trong gừng chứa nhiều thành phần có khả năng chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu ở dạ dày và cải thiện mùi hơi thở hiệu quả. Để áp dụng mẹo này bạn có thể nhai trực tiếp hoặc ép lấy uống nước đều được. Mỗi ngày nên thực hiện từ 1 – 2 lần đến khi cải thiện.

cách trị hôi miệng tại nhà

(Dùng gừng tươi trị hôi miệng từ dạ dày là mẹo khá phổ biến)(**)

2.2. Lá bạc hà:

Tinh dầu trong lá bạc hà có tác dụng sát khuẩn và khử mùi hiệu quả. Để thực hiện bạn rửa sạch 1 nắm lá bạc hà sau đó nhai trực tiếp nuốt lấy nước và bỏ phần bã lá. Có thể áp dụng cách này từ 2 – 3 lần/ngày cho đến khi cải thiện.

2.3. Chanh tươi:

Để gia tăng tính hiệu quả bạn có thể kết hợp chanh tươi với muối. Bạn thái vài lát chanh mỏng sau đó cho vào ly nước ấm đã có pha muối tinh và khuấy đều. Súc miệng 2 lần/ngày hoặc có thể thái lát chanh sau đó chấm vào muối và ngậm trực tiếp từ 2-3 phút để đảm bảo vi khuẩn đã được tiêu diệt sạch.

2.4. Lá húng quế:

Trong lá húng quế có chứa nhiều thành phần giúp kháng khuẩn, kháng viêm. Ngoài ra, chất diệp lục trong lá húng quế còn có tác dụng làm trung hòa mùi hôi. Để chữa hôi miệng bạn rửa sạch một nắm lá húng quế. Sau đó đem đun sôi với 2 chén nước lọc hòa cùng một chút muối. Đun sôi cho đến khi còn một chén nước thì tắt bếp và để nguội. Mỗi ngày sau khi đánh răng bạn nên súc miệng với hỗn hợp này từ 1 – 2 lần cho đến khi cải thiện.

2.5. Rễ cam thảo:

Dùng rễ cam thảo để chữa hôi miệng do bệnh dạ dày cũng là mẹo được nhiều người áp dụng. Mẹo này thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần dùng rễ cam thảo hãm với nước sôi thành trà để uống hàng ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 lần và tối thiểu là 200ml nước cam thảo. Uống quá liều lượng sẽ làm tăng huyết áp, hạ kali trong máu.

3. Trị hôi miệng từ dạ dày thông qua thay đổi lối sống:

Mặc dù có rất nhiều phương pháp để trị bệnh hôi miệng từ dạ dày. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể chữa khỏi rất nhanh nhưng khả năng tái phát bệnh là vô cùng cao. Ngoài những giải pháp trên bạn nên thay đổi cũng như tuân thủ thêm một số chỉ định sau:

3.1. Duy trì trạng thái thoải mái:

Stress, lo âu có mỗi liên hệ mật thiết để đến dạ dày và hệ thống ruột. Do hệ thống tiêu hóa được điều khiển bởi hệ thống thần kinh ruột và giao tiếp với hệ thống thần kinh trung ương. Do đó, khi bạn căng thẳng thì hệ thống tiêu hóa sẽ bị ngưng trệ do hệ thống thần kinh trung ương của bạn bị tắt lưu lượng máu. Điều này sẽ gây ra các cơn co thắt của cơ bóp tiêu hóa. Căng thẳng kéo dài còn gây ra các cơn co thắt ở thực quản, tăng axit trong dạ dày gây ra triệu chứng khó tiêu, trào ngược, ợ hơi.

Để cải thiện bệnh lý này bạn nên cân bằng tâm trạng, giữ tinh thần vui vẻ thoải mái, dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thường xuyên hít thở sâu và thả lỏng để tránh gây kích thích, tác động đến các bộ phận bên trong cơ thể.

chữa hôi miệng tại nhà

(Hạn chế stress, giữ tinh thần vui vẻ có vai trò vô cùng quan trọng)(**)

3.2. Vận động nhẹ nhàng mỗi ngày:

Tùy theo thể trạng của mỗi người mà bạn có thể lựa chọn môn thể thao phù hợp . Mỗi ngày nên tập thể dục 30 phút để tăng cường sức đề kháng, giảm bớt áp lực cho dạ dày và thúc đẩy nhu động ruột giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.

3.3. Chế độ ăn uống chọn lọc:

Cơ thể con người có 3 bộ phận là gan, dạ dày, đường ruột thường rất dễ bị tổn thương thông qua thói quen ăn uống. Do đó, người đang có bệnh lý về dạ dày cần có một chế độ ăn riêng biệt và khắc khe hơn. Nên ưu tiên ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn nhiều đồ cay, nóng, dầu mỡ hoặc chua.

Một lưu ý khác rất quan trọng là hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều chất bảo quản, chất điều vị, chất điều chỉnh độ axit có trong nước mắm, hạt nêm, bánh kẹo ngọt…bởi chúng có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng áp lực lên dạ dày. Khi ăn không ăn quá no và nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hóa.

3.4. Hạn chế chất kích thích:

Hạn chế dùng các chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu bia để tránh gây khó chịu cho dạ dày cũng như giảm thiểu được triệu chứng hôi miệng.

Hy vọng thông tin về hôi miệng từ dạ dày ở trên đây của chúng tôi đã gửi đến bạn thật nhiều thông tin hữu ích. Để được tư vấn chuyên sâu quý khách hàng có thể inbox fanpage Peace Dentistry hoặc gọi hotline tư vấn dịch vụ: 19002102 để được bác sĩ tư vấn chi tiết nhất.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

"Chu đáo và sẵn sàng hỗ trợ 24/7"

ĐẶT HẸN KHÁM HOẶC HỖ TRỢ TƯ VẤN

(Để lại thông tin và vấn đề về răng của bạn, Nha khoa sẽ gọi lại tư vấn ngay)